thnien008

This WordPress.com site is the bee's knees

Không nên dùng xà phòng chứa chất kháng khuẩn

Bình luận về bài viết này

Không nên dùng xà phòng chứa chất kháng khuẩn
DS.Huỳnh Văn Nhiệm
Copy từ báo Thuốc & Sức khỏe số 511 ( ngày 01/11/14), trang 20, 21.
Để hạn chế lây lan nhiều loại bệnh truyền nhiễm thường gặp như cảm cúm, bệnh tay chân miệng, các bệnh đường ruột: tả, lỵ và cả bệnh do sốt xuất huyết vius Ebola,… các chuyên viên y tế khuyên mọi người, kể cả trẻ em, nên tập thói quen thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Điều này thật cần thiết. Nhưng một câu hỏi đặt ra là: Có nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn hay chỉ cần dùng xà phòng thường?
Tác dụng của các loại xà phòng trong các sản phẩm tẩy rửa thông dụng là làm nhũ tương hóa chất béo, khiến cho những chất béo và cả các chất bẩn, vi khuẩn … bám dính vào da người hay bề mặt đồ vật dễ bong tróc ra khi ta giặt rửa, để cho nước dễ cuốn đi.
Như vậy, chỉ cần rửa tay thật kỹ với xà phòng thường là có thể loại trừ một số lượng lớn tác nhân lây bệnh dính trên tay, từ đó hạn chế việc lay lan mầm bệnh qua đường ăn uống, hay tiếp xúc với niêm mạc mắt,mũi, miệng…
Ngoài việc loại trừ các vi sinh vật, rửa tay còn giúp giảm nguy cơ nhiễm các chất bẩn khác có hại cho sức khỏe như các kim loại nặng, các chất độc hữu cơ và vô cơ khác…
Hiện nay, nhiều hãng sản xuất có xu hướng thêm một số hóa chất có tính kháng khuẩn, đặc biệt là chất triclosan vào xà phòng, sữa tắm, kem đánh răng, mỹ phẩm trị mụn cùng nhiều sản phẩm tẩy rửa khác, được quảng cáo là có thể diệt sạch vi khuẩn, để hấp dẫn người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thì cho đến nay, chưa có bằng chứng rằng các sản phẩm vệ sinh chứa chất kháng khuẩn có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa bệnh tật hơn là xà phòng thường và nước. Ngược lại, rất nhiều tài liệu nghiên cứu đã cảnh báo về khả năng gây tác hại đến sức khỏe người dùng và cả với môi trường sống của những sản phẩm này.
Với sức khỏe người dùng
a) Dùng xà phòng có chất diệt khuẩn có thể gây dị ứng.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Nhi khoa Johns Hopkins (Hoa Kỳ), dùng xà phòng diệt khuẩn để tắm rửa cho trẻ em có thể làm mất cân bằng hệ vi khuẩn có lợi thường trú trên da, làm rối loạn chức năng đề kháng và tăng khả năng bị dị ứng, cả với những chất thường gặp trong môi trường và thực phẩm.
b) Xà phòng diệt khuẩn gây nhiễm độc
Triclosan và một số chất Clo gắn với nhân benzen trong các loại xà phòng kháng khuẩn, nếu dùng thường xuyên, có thể thẩm thấu qua da và tích lũy trong mô mỡ, về lâu dài có thể gây nguy hại cho sức khỏe.
Còn nhớ, khoảng thập niên 1960, các nhà sản xuất Âu Mỹ đã từng cho ra đời sản phẩm tắm rửa có chứa chất diệt khuẩn chứa hexachorophen – có cấu trúc nhân benzen như triclosan và tri clocarban – với tên đặc chế Phisohex, Dial sát khuẩn…, đã gây ra một số ca tử vong cho những trẻ em khi tắm bằng những loại xà phòng sát khuẩn này, khiến các hãng sản xuất phải lập tức rút các sản phẩm tắm rửa có hoạt chất này ra khỏi thị trường và bồi thường một số tiền lớn cho gia đình các nạn nhân.
Triclosan cũng được tìm thấy trong sữa những người mẹ thường dùng chất tẩy rửa có chứa hóa chất này.
Triclosan có thể phản ứng với clo trong nước máy tạo ra chất 2,4-diclorophenol. Khi tiếp xúc với tia cực tím trong ánh sáng mặt trời, chất này có thể chuyển thành dioxin một chất cực độc có thể gây nhiều tác hại như chúng ta đã biết. Nghiên cứu cho thấy các sản phẩm chứa triclosan thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư vú trong phòng thí nghiệm.
c) Triclosan và triclocarban gây rối loạn nội tiết
Triclosan và triclocarban gắn vào các thụ thể các hormon sinh dục như estrogen và androgen, gây tác hại cho sự phát triển các chức năng sinh dục cả nam và nữ, đặc biệt có thể gây dậy thì sớm ở các bé gái. Triclosan cũng làm giảm các hormon tuyến giáp.
d) Những thí nghiệm trên chuột
Những thí nghiệm trên chuột còn cho thấy triclosan còn có thể gây tổn thương cho cơ tim và cơ xương khớp.
Nguy hại cho môi trường
Triclosan và triclocarban trong chất tẩy rửa sau khi sử dụng sẽ thải ra trong nước sông rạch, ao hồ và biển, trở thành mối đe dọa cho các sinh vật sống trong nước: từ vi khuẩn, rong tảo, đến tôm cá,… vì độc tính của những chất này đối với các thủy sinh vật cao gấp hàng trăm đến cả ngàn lần so với độc tính trên vi khuẩn. Hơn nữa, các chất Clo hữu cơ này khi nhiễm vào các sinh vật như thủy hải sản, sẽ quay trở lại thành thực phẩm độc hại cho người dùng.
Một mối quan ngại khác là một số loài vi khuẩn thường xuyên tiếp xúc với chất kháng khuẩn này sẽ có thể phát triển khả năng đề kháng với các chất kháng sinh. Đây có thể trở thành mối đe dọa tiềm năng đối với an ninh y tế toàn cầu.
Với những nghi vấn nêu trên, từ tháng 12/2013. cơ quan FDA yêu cầu các nhà sản xuất phải chứng minh tính ưu việt của các lọa xà phòng kháng khuẩn so với xà phòng thường, đặc biệt là tính an toàn khi sử dụng lâu dài.
FDA dự kiến có thể đưa ra quyết định cụ thể vào tháng 9/2016.
Mới đây, chính quyền tiểu ban Minnesota của HJoa Kỳ cũng đã ra dự luật cấm bán tất cả các sản phẩm – kể cả xà phòng, kem đánh răng, sản phẩm khử mùi – có chứa chất triclosan trên toàn tiểu bang. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2017.
Thiết nghĩ trong khi chưa có những bằng chứng cụ thể chứng minh các loại xà phòng và các sản phẩm chứa chất kháng khuẩn là an toàn và có ích lợi hơn cho người tiêu dùng, chúng ta nên hết sức thận trọng với những loại sản phẩm này.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.