thnien008

This WordPress.com site is the bee's knees


Bình luận về bài viết này

Bão Mangkhut chuẩn bị đổ bộ, dân Hong Kong, Trung Quốc gấp rút di tản

Bão Mangkhut chuẩn bị đổ bộ, dân Hong Kong, Trung Quốc gấp rút di tản
(Copy từ https://news.zing.vn/bao-mangkhut-chuan-bi-do-bo-dan-hong-kong-trung-quoc-gap-rut-di-tan-post877085.html , tác giả: Chi Mai ; đã đăng ngày 15/09/2018 15:52 trong mục Thế Giới.)
Người dân Hong Kong được khuyến khích chuẩn bị chống bão Mangkhut và nhanh chóng di tản trong ngày hôm nay, khi Đài Khí tượng cảnh báo gió mạnh có thể gia tăng sau nửa đêm.
South China Morning Post đưa tin Đài Khí tượng Hong Kong có thể sẽ tuyên bố cảnh báo bão cấp 10, tức mức độ nguy hiểm nhất, vào ngày mai khi bão Mangkhut đổ bộ.
Ông Cheng Cho Ming, trợ lý giám đốc Đài Khí tượng Hong Kong, cho biết bão Mangkhut sẽ yếu dần sau khi di chuyển qua Philippines, nhưng đây vẫn là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với khu vực Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Ông Cheng khẳng định toàn bộ Hong Kong sẽ chịu ảnh hưởng của bão.
“Sau nửa đêm nay, sức gió (từ bão Mangkhut) sẽ ngày càng mạnh lên. Vì vậy, người dân tốt nhất nên hoàn tất mọi công tác chuẩn bị trong ngày hôm nay, càng sớm càng tốt”, ông Cheng cảnh báo.
Cảnh sát Hong Kong cung cấp thông tin tránh bão cho từng gia đình. Ảnh: Getty.
Khu vực miền Nam Trung Quốc cũng đang gấp rút chuẩn bị kế hoạch đối phó vơi bão Mangkhut, dự kiến sẽ đổ bộ vào vùng biển tỉnh Quảng Đông chiều hoặc tối 16/9/18, mang theo mưa giông và gió mạnh, Cơ quan Khí tượng Quốc gia Trung Quốc cho biết.
Tại tỉnh Phúc Kiến, khoảng 51.000 ngư dân đã được di tản, 11.000 tàu thuyền đã được neo đậu an toàn tại các bến cảng từ sáng 15/9.
Sáng 14/9/18, siêu bão Mangkhut đổ bộ vào khu vực miền Bắc Philippines, mang theo mưa giông và gió mạnh. Giới chức cảnh báo hàng triệu người đang sinh sống tại những khu vực nằm trong đường đi của bão có thể đối phó với tình trạng tàn phá nghiêm trọng.
Bão Mangkhut đã thổi bay cửa sổ nhiều ngôi nhà, ném mảnh vỡ lên không trung, phá hủy nhiều đường dây điện tại đảo Luzon, Philippines.
“Về sức mạnh, Mangkhut là siêu bão nhiệt đới mạnh nhất trong năm”, Tổ chức Khí tượng Thế giới thông báo. Cơn bão có sức gió mạnh 205 km/h, giật đến 285 km/h.
Đài Khí tượng Hong Kong khẳng định bão Mangkhut sẽ tiệm cận bờ biển phía đông tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, trong thời gian ngắn, với cường độ giữ nguyên.
Tính đến sáng 14/9, bão Mangkhut được dự đoán nằm cách tỉnh Quảng Đông 1.000 km về phía đông nam và di chuyển với vận tốc 26 km/h theo hướng tây – tây bắc trên khu vực Biển Đông, theo Cơ quan Khí tượng học Quốc gia Trung Quốc.
Mangkhut hiện là cơn bão mạnh nhất trên thế giới, đe dọa Philippines, Hong Kong, Việt Nam và một số khu vực lân cận. Ảnh: AP.
Trả lời SCMP, trợ lý giám đốc Cheng cho biết thời tiết Hong Kong sáng ngày 14/9 khá thuận lợi, nhưng sấm chớp sẽ sớm xuất hiện trong buổi chiều. Người dân tại một số thành phố trũng như Lei Yue Mun và Tai O khả năng cao sẽ đối mặt với nguy cơ ngập lụt. Chính quyền tại những khu vực này đang chuẩn bị kế hoạch sơ tán hơn 1.000 người.
Bà Vega Wong Sau Wai, trợ lý giám đốc cơ quan nội vụ Hong Kong, kêu gọi cư dân di tản đến 48 cơ sở lưu trú tạm thời của chính quyền trước khi mặt trời lặn.
“Khi trời bắt đầu tối và thời tiết ngày càng trở nên tồi tệ, kể cả khi chúng tôi có đội ngũ hướng dẫn người dân di tản thì tình hình cũng sẽ không thuận lợi”, bà Vega Wong phát biểu.
Theo bà Vega Wong, chính quyền hy vọng có thể di tản người già neo đơn ở thành phố Tai O trong chiều 15/9. Xe buýt cũng được huy động để giúp người dân ở khu vực Yuen Long và Tuen Mun sơ tán.
Bão Mangkhut mang theo mưa giông và gió mạnh, đe dọa cuộc sống hàng triệu người. Ảnh: AP.
Bà Florence Ko Wan Yee, trưởng phòng quản lý cây cảnh thuộc cơ quan nội vụ, cảnh báo người dân Hong Kong không ở gần cây cối kể khi bão đã đi qua. Bà cho biết hơn 8.000 trường hợp cây đổ, gãy đã xảy ra khi một cơn bão cấp 8 đổ bộ hong Kong vào năm 2017.
Hãng hàng không Cathay Pacific cho biết tất cả các chuyến bay trong ngày 16/9/18 đều bị hủy, một số chuyến trong sáng 17/9 sẽ bị tạm hoãn. Hãng Cathay Dragon cũng hủy chuyến bay trong ngày mai. Trong khi đó, hãng Hong Kong Airlines thông báo ngừng hoạt động ngày 16/9, khiến hơn 40 chuyến bay bị ảnh hưởng.
Chi Mai

 


Bình luận về bài viết này

Đà Nẵng ra quân khắc phục hậu quả sau bão 12 để đón APEC

Đà Nẵng ra quân khắc phục hậu quả sau bão 12 để đón APEC
Copy từ http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/34614102-da-nang-ra-quan-khac-phuc-hau-qua-sau-bao-de-don-apec.html , tác giả: Anh Đào , đã đăng ngày 05-11-17 10:35.
NDĐT – Hưởng ứng thư của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ kêu gọi toàn thành phố ra quân dọn dẹp khắc phục hậu quả ảnh hưởng bão số 12 để phục vụ APEC 2017 vào tối 4-11-17, sáng 5-11-17, nhiều địa phương trên địa bàn Đà Nẵng đã ra quân, đội mưa khắc phục các hư hại tại những điểm bị nặng nhất do ảnh hưởng của bão số 12.
Cán bộ, nhân dân phường An Hải Bắc cùng ra quân dọn dẹp đường phố sau bão số 12.
Sáng 5-11, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà đã điều động toàn bộ cán bộ, nhân viên các phòng ban của phường cùng các tổ dân phố ra quân dọn dẹp môi trường, khắc phục tình trạng nhếch nhác trên các tuyến đường do gió bão số 12 làm hư hại.
Trao đổi với phóng viên tại hiện trường, ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc cho biết, ngay trong chiều 4-11, phường đã tiến hành dọn dẹp một số tuyến đường và sáng nay ra quân làm đẹp cảnh quan môi trường, đặc biệt tại các lô đất trống có trang trí hệ thống hàng trăm tấm pa-nô, áp-phích có in hình nghệ thuật chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã bị gió bão quật đổ hư hại hoàn toàn dọc các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Phạm Văn Đồng. Do không còn đủ thời gian nên không thể in và làm lại được những tấm ảnh nghệ thuật nhưng về cơ bản, trên các tuyến đường trọng điểm thuộc địa bàn phường An Hải Bắc đã được thu gom không còn nhếch nhác. Địa phương sẽ cố gắng huy động người dân, góp phần khắc phục nhanh cảnh quan môi trường để sẵn sàng đón chào các đại biểu tới tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC từ ngày mai, 6-11.
Do hoàn lưu sau bão, từ đêm qua đến sáng nay, ở Đà Nẵng có mưa to kèm gió lớn, mực nước sông Hàn dâng cao, một số điểm trên đường Nguyễn Tất Thành bị sạt lở nghiêm trọng.
Cán bộ, nhân dân phường An Hải Bắc cùng ra quân dọn dẹp môi trường sau bão số 12.
Anh Đào

 


Bình luận về bài viết này

Số người chết và mất tích sau bão 12 vẫn không ngừng tăng

Số người chết và mất tích sau bão 12 vẫn không ngừng tăng
Copy từ http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/34614502-so-nguoi-chet-va-mat-tich-sau-bao-van-khong-ngung-tang.html, tác giả: Thảo Lê , đã đăng ngày 05-11-17 11:18.
NDĐT – Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai ngày 5-11-17, đã có 27 người chết và 22 người mất tích sau khi cơn bão số 12 mạnh nhất trong 20 năm qua càn quét Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, trong đó hậu quả bão để lại cho Khánh Hòa nặng nề hơn cả.
Khắc phục hậu quả sau bão 12 ở Phú Yên. Ảnh: Trình Kế.
Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, có 10 tàu với 91 thuyền viên bị chìm, hư hỏng trên khu vực phao số 0, Cảng Quy Nhơn. Hiện có bốn người chết, 17 người mất tích, đã cứu vớt được 74 người.
Tỉnh Khánh Hòa nhiều người chết nhất với 16 người, Bình Định và Lâm Đồng có ba người chết, Đác Lắc một người chết.
Trong số 22 người đang mất tích, ngoài 17 người do sự cố tàu vận tải, Bình Định có bốn người, Phú Yên một người.
Lúc 23 giờ ngày 3-11-17, tàu cá BĐ95154 TS/02 lao động trên đường chạy vào Cảng cá Quy Nhơn tránh bão bị chết máy thả trôi ở tọa độ 13o37’N-109o48’E và bị mất liên lạc.
Có 626 nhà sập đổ, nhiều nhất là Khánh Hòa 302 nhà, tiếp đến là Phú Yên, Đác Lắc, Bình Định.
Có 39.704 nhà tốc mái, hư hỏng, phần lớn là ở Khánh Hòa (25.495 nhà), Phú Yên (12.577 nhà).
4.425 ha lúa đang ngập trong nước, phần lớn là ở Khánh Hòa (3.748 ha); 25.212 ha rau màu cũng bị ngập, trong đó Phú Yên nhiều nhất với 16.707ha.
Có 228 tàu cá bị chìm, hư hỏng, trong đó, Phú Yên 114 tàu, Khánh Hòa 112 tàu.
1.491 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản, trong đó, phần lớn là ở Khánh Hòa 1.457 lồng.
Sáng 5-11-17 Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai đã tổ chức họp giao ban về cơn bão số 12.
Tại cuộc họp sáng 5-11-17, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài (ảnh trên) nhấn mạnh: “Các số liệu về thiệt hại, sự cố ở những vùng bị ảnh hưởng cần phải đưa chính xác để có những phương án khắc phục. Trên mạng hiện nay có nhiều con số sai với thực tế, phần nào đó gây hoang mang dư luận, cũng như làm chệch hướng ứng phó, cứu nạn. Chỉ có những số liệu từ Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai là số liệu đã được xác minh cụ thể, chính xác”.
Ông Trần Quang Hoài yêu cầu các lực lượng liên quan cùng các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, đôn đốc các đia phương nhanh chóng khôi phục đời sống sản xuất của người dân.
Bên cạnh đó, cần đánh giá chi tiết về cơn bão số 12, có bài học rút kinh nghiệm về thiệt hại do chủ quan lẫn khách quan.
Ứng phó với lũ, chiều nay, các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý sẽ họp để cùng tính toán vận hành xả lũ liên hồ chứa, cắt lũ, bảo đảm an toàn cho hạ du, nhất là đúng thời điểm tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC.
Thảo Lê


Bình luận về bài viết này

Bão giật cấp 15 vào Phú Yên-Ninh Thuận, khẩn cấp di dân

Bão giật cấp 15 vào Phú Yên-Ninh Thuận, khẩn cấp di dân
Copy từ https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bao-giat-cap-15-vao-phu-yenninh-thuan-khan-cap-di-dan-1204623.tpo , tác giả: Phạm Anh , đã đăng ngày 03/11/2017 20:35.
TPO – Bão số 12 dự báo sẽ đổ bộ khu vực Phú Yên-Ninh Thuận vào rạng sáng mai (4/11/17), với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15 đồng thời gây mưa rất lớn. .
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác ứng phó với bão tại Khánh Hòa
Bão có độ rủi ro chỉ sau cấp thảm họa
Chiều 3/11/17, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó khẩn cấp với bão số 12 ngay tại Khánh Hòa- địa phương dự kiến là tâm bão.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung tương, lúc 16h ngày 3/11/17, bão số 12 cách bờ biển Phú Yên-Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 300km về phía đông với sức gió cấp 12, giật cấp 15.
Dự báo khoảng sáng sớm mai (4/11), bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần.
Đến khoảng 16h ngày 4/11/17, bão nằm trên khu vực biên giới Việt Nam- Campuchia. Bão sẽ làm mực nước ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận dâng 0,5-1,0m. Sóng vùng tâm bão cao 6-8m, ven bờ Quảng Ngãi đến Bình Thuận cao 3-5m. Ngoài ra, ven biển Nam bộ đề phòng triều cường cao trong những ngày tới do thủy triều lên cao kết hợp với nước dâng do gió mùa.
Đáng lo ngại, bão kết hợp không khí lạnh mạnh sẽ gây mưa rất to đến đặc biệt to ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận. Mưa có thể lan rộng ra Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
Cấp độ cảnh báo thiên tai Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận được nâng lên cấp 4, độ rủi ro rất lớn (giống bão số 10 đổ bộ vào Bắc Trung bộ hồi tháng 9 vừa qua).
Theo cơ quan khí tượng, bão số 12 có thể là cơn bão mạnh nhất trong năm nay. So với cơn bão số 10 đổ bộ vào Hà Tĩnh vừa qua, cơn bão này sẽ có gió giật mạnh hơn do tác động của không khí lạnh.
Khẩn cấp di dân, cho học sinh nghỉ học
Xác định là địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, tại cuộc họp khẩn cấp chiều qua, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên cho biết, họ đã tập trung di dời dân khỏi vùng nguy hiểm.
Đến chiều nay, tỉnh đã di dời trên 4.000 hộ, với 18.000 người. Đến nay, toàn bộ trên 6.500 tàu của tỉnh cũng về nơi neo đậu, trú tránh. Khánh Hòa cũng tổ chức neo chằng trên 34.000 lồng, bè nuôi trồng thủy sản; 6 hồ thủy lợi cũng đã xả nước để đón bão.
Trong khi đó, tại Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, xác định bão số 12 là cơn bão mạnh, nên địa phương đã tập trung toàn bộ lực lượng phòng chống bão. Tỉnh đã yêu cầu các nhà mạng nhắn tin đến từng người dân thông qua số điện thoại di động đẻ chằng chống nhà cửa, trú tránh.
Theo ông Vinh, trên biển, toàn bộ tàu thuyền đã vào khu trú tránh an toàn. Tỉnh cũng yêu cầu tất cả các cơ quan có khu du lịch biển, đảo phải đảm bảo an toàn cho du khách, không cho du khách tắm biển hoặc tham quan đảo.
“Hiện tỉnh đã sơ tán 6.000 người dân. Đến 18h ngày 3/11/17, sẽ cưỡng chế tất cả các hộ dân còn lại để đảm bảo an toàn. Tất cả các hồ chứa nước trên địa bàn phải xả tràn”- ông Vinh cho biêt.
Bão 12 kết hợp không khí lạnh mạnh sẽ gây mưa rất to đến đặc biệt to ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận. Mưa có thể lan rộng ra Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
Tại Ninh Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – ông Trần Quốc Nam cho biết, tỉnh đã cấm biển từ 13h ngày 2/11/17. Ninh Thuận có 2.330 tàu đã neo đậu an toàn, trong đó có 347 chiếc đang đánh vùng biển khác cũng về neo đậu ở khu vực DK2 và tỉnh bạn.
Tuy nhiên, tỉnh còn 1 tàu/7 ngư dân đánh cá ở khu vực DK2 chưa liên lạc được, đề nghị các địa phương và T.Ư giúp đỡ. Ninh Thuận cũng cho học sinh nghỉ học từ sáng 4/11/17; tiến hành rà soát, liên thông kế hoạch vận hành hồ 19 hồ chứa, hiện có 5 hồ đã xả.
Còn tại Bình Định, vấn đề lo ngại nhất hiện là các hồ chứa. ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, 3 ngày qua, trên địa bàn tỉnh mưa lớn, có nơi tới 400mm, các sông lên báo động 2-3. Bình Định 165 hồ chứa, nhưng tới 80 hồ chứa (dung tích chủ yếu 5-8 triệu m3) đã đầy nước. Hiện 56 hồ chứa xuống cấp, chủ yếu loại dung tích 3-5 triệu m3, tỉnh đã “lệnh” xả nước, cho tích một nửa.
Theo Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, đến chiều nay, tổng số tàu thuyền đã thông báo, kiểm đếm là 60.547 tàu/288.626 lao động. Theo kế hoạch, các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ sơ tán gần 96.500 hộ, với gần 427.000 người trong cơn bão số 12.
Xả lũ tùy tiện, chủ hồ phải chịu trách nhiệm
Trước độ rủi ro rất lớn của cơn bão, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng: “Phải sẵn sàng phương châm 4 tại chỗ. Nếu không cảnh giác cao độ, chủ quan, có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Cơn bão này có độ rủi ro cấp 4, chỉ sau cấp thảm họa. Trong năm nay, cơn bão số 10 vừa rồi cũng đạt cấp rủi ro 4”- ông Cường nói.
Ông Cường cho biết, qua kiểm tra, rất nhiều hồ xuống cấp, đã đầy, nên phải có phương án ứng phó khi xảy ra sự cố. Đặc biệt, lưu ý không để mất thông tin liên lạc gây khó khăn cho chỉ đạo ứng phó.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp trực tuyến với các địa phương tại “rốn bão” Khánh Hòa.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các địa phương không được chủ quan, bằng mọi cách phải sơ tán người dân trong đêm 3/11/17, không để người dân trên các lồng bè, nuôi trồng thủy sản, hoặc khu vực nguy hiểm, nếu cần thiết phải cưỡng chế.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT chỉ đạo, phối hợp với các địa phương để đảm bảo các hồ đập thủy lợi, đề điều, nhất là công trình xung yếu; Bộ Công Thương rà soát các hồ thủy điện, nhất là vấn đề xả lũ khi mưa lớn.
“Với các công trình, khi nước lên, xả lũ tùy tiện, không thông báo trước cho địa phương, gây thiệt hại tính mạng, tài sản của người dân thì chủ công trình đó phải chịu trách nhiệm”- Phó Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, phối hợp với Đà Nẵng, chủ động lên phương án ứng phó với mưa bão trong tuần lễ APEC, nhất là vấn đề giao thông, điện, thông tin liên lạc, di dân…
Được biết, TP Đà Nẵng đã lên kịch bản với 3 nguy cơ là bão, mưa lớn và sóng thần; cùng đó tổ chức trực ban 24/24, xử lý sạt lở đất đá ở vùng bán đảo Sơn Trà.
Phạm Anh
Phú Yên
Mong sao Phú Yên mãi xinh tươi, yên bình.
Phu Yen

 


Bình luận về bài viết này

Bão Linda 20 năm ám ảnh và lời cảnh báo của thiên nhiên

Bão Linda 20 năm ám ảnh và lời cảnh báo của thiên nhiên
Copy từ https://laodong.vn/phong-su/bao-linda-20-nam-am-anh-va-loi-canh-bao-cua-thien-nhien-573370.ldo , tác giả: Nhóm Phóng viên, đã đăng ngày 01/11/2017 | 09:15.
Linda – “một cơn bão hiếm thấy trong vòng 100 năm trở lại đây ở Việt Nam”, đổ bộ vào đất liền các tỉnh phía Nam với tốc độ và sức gió kinh hoàng, chỉ trong một đêm 2.11.1997 đã cướp đi sinh mạng trên 3.000 người dân vùng đất Nam Bộ vốn “ngàn năm không có bão”.
Thiệt hại sau bão Linda tại Cà Mau. Ảnh Tư liệu Báo Ảnh Đất Mũi.
Hai mươi năm qua đi, nhưng nỗi đau bão Linda để lại vẫn như hôm qua, cho những người ở lại và những người làm công tác dự báo, phòng chống bão bài học xương máu…
20 năm chưa nguôi nỗi đau
Cà Mau những ngày này đang chuẩn bị lễ tưởng niệm 20 năm bão Linda đi qua tỉnh này trong bối cảnh áp thấp nhiệt đới đang tiến dần vào biển phía Nam.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Cà Mau Châu Thành Tôn không sao quên được ngày bão Linda vào Cà Mau cách đây 20 năm: “Đời tôi chứng kiến hai cơn bão kinh hoàng, một cơn đi qua Nghệ Tĩnh năm 1981, lúc tôi đang đi công tác ngoài ấy và cơn bão Linda. Chiều 1.11.1997, Cà Mau bắt đầu có mưa và gió giật. Cảm nhận của tôi là bão sẽ tới. Nhưng lúc đó không ai tin, cả chính quyền và người dân Cà Mau chưa từng thấy bão, chưa có kinh nghiệm trong việc tránh, trốn bão…”.
Bão đi qua, ông Tôn cùng đoàn công tác của Tỉnh ủy Cà Mau đến những cửa biển để khắc phục sau bão. “Tàu thuyền chìm hết, ở Khánh Hội, U Minh gần như nhà sập hết. Tàu nào còn điều động ra khơi tìm xác. Tàu đi còn nổi, khi về khẳm đừ do chở xác chết. Đến ngày thứ ba, thứ tư, xác không còn nhận dạng được. Có gia đình mất đến 3-5 người thân. Trong đời tôi chưa bao giờ thấy cảnh tang thương như thế” – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Cà Mau nhớ lại.
Bà Phạm Ngọc Ánh (SN 1944, ngụ ấp 1, xã Khánh Hội, huyện U Minh) có đến 4 người con nằm lại sau cơn bão Linda, ngậm ngùi: “3 ngày nữa là đến ngày giỗ của tụi nó rồi. Tôi làm giỗ chung cho cả 4 đứa. Tội nghiệp, khi chết, chưa đứa nào có gia đình”.
Bà Trần Thị Lăng (xã Khánh Hội, huyện U Minh) vẫn còn nhớ như in cái ngày chồng bà là ông Trần Văn Oanh đi mãi không về. Những người lân cận nhà bà cho biết: “Khoảng 10 năm nay bà ấy mới bỏ thói quen chiều chiều ra mé biển nhìn những đoàn tàu trở về với niềm hy vọng biết đâu…”. Năm người con của bà Lăng đã lớn dần theo thời gian, niềm vui từ gia đình, từ những sẻ chia của chính quyền địa phương phần nào vơi đi nỗi đau của bà.
“Sự chủ quan đã phải trả một cái giá cực kỳ đắt”
Tại hội thảo đánh giá và rút bài học từ cơn bão Linda cách đây 20 năm, nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT – nguyên Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Lê Huy Ngọ trầm ngâm: Bão Linda bất ngờ và dị thường đến mức, chỉ trong 12 giờ, từ một vùng áp thấp đã mạnh lên thành bão và đổ bộ trực tiếp vào Cà Mau – vùng đất hàng trăm năm không có bão.
Ông Lê Huy Ngọ nhớ lại: “Bão Linda là cơn bão hiếm thấy được hình thành ở vĩ độ thấp lại gần bờ biển các tỉnh Nam Bộ, từ áp thấp nhiệt đới đã nhanh chóng mạnh lên thành bão chỉ trong vòng 12 giờ, trong quá trình vào bờ vẫn tiếp tục mạnh lên, khi ở xa chỉ cấp 8, nhưng vào gần bờ đã lên cấp 9, 10. Bão di chuyển nhanh theo hướng khá ổn định, đổ bộ vào ban đêm, thời gian có gió mạnh trên biển kéo dài đến 18 giờ nên đã gây ra thiệt hại rất lớn”.
Cùng đoàn công tác của BCĐ bay đến Côn Đảo để kiểm tra tình hình, ông Ngọ bàng hoàng trước cảnh tượng, trên 2.300 người bị bão đánh dạt trên bờ, hàng trăm tàu thuyền bị đánh chìm. Ngày hôm sau, khi lực lượng chi viện tiếp cận, giải cứu được 700 người đang kẹt lại Côn Đảo.
Bài học kinh nghiệm xương máu
Được nhận định bão Linda rất mạnh, ông Lê Huy Ngọ đã chỉ đạo thành viên BCĐ Trung ương PCTT gọi điện đến tất cả các lãnh đạo địa phương khu vực bị ảnh hưởng của bão để cảnh báo, nhưng họ đều nói “trong đây làm gì có bão mà ngoài đó cứ hốt hoảng với bão”.
Thậm chí, khi BCĐ Trung ương PCTT yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão triển khai ứng phó, họ vẫn hết sức chủ quan. Đến trưa 2.11, khi những đợt mưa lớn, những vùng gió xoáy vào đến đất liền, nhiều người dân còn tò mò chạy ra “xem bão như thế nào”! Không ai chằng buộc nhà cửa, chỉ một số ít mua mì tôm về tích trữ trong nhà, trong bụng vẫn không tin là bão sẽ xảy ra trên vùng đất “trăm năm không có bão”.
Đến 7 giờ tối, khi bão chính thức đổ bộ vào Cà Mau, những người dân ở đây mới thực sự kinh hoàng. Hàng nghìn tàu thuyền không kịp vào bờ; nhà cửa không được gia cố; tài sản và con người không được sơ tán, thảm họa đã xảy ra ngay trước mắt. Chỉ trong vòng 1 đêm, gần 3.000 người đã thiệt mạng hoặc bị vùi chôn đâu đó dưới đáy biển với hai từ “mất tích”!
Đánh giá về nguyên nhân thiệt hại thảm khốc bởi cơn bão Linda, Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho rằng, cơn bão di chuyển và tốc độ gió mạnh lên quá nhanh, lại đổ bộ vào vùng ngư trường rộng lớn tập trung hàng nghìn tàu thuyền đang đánh bắt hải sản.
Thời điểm đó, các con tàu đều có sức chống chịu hạn chế, lại hầu như không được trang bị các phương tiện đảm bảo an toàn nên khi gặp nạn đều bất lực. Thậm chí, nhiều tàu đã vào được khu neo đậu nhưng vẫn bị sóng đánh, va đập làm vỡ và chìm.
Năng lực phòng chống thiên tai còn hạn chế
Thiệt hại nặng nề của cơn bão Linda đến các tỉnh phía Nam đã thật sự làm thay đổi nhận thức của người dân ven biển phía Nam rằng miền Tây không có bão. Ông Lương Ngọc Lân – Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu – cho biết: “Lúc đó, Bạc Liêu mới vừa tái lập, điều kiện thông tin liên lạc còn khó khăn; hệ thống liên lạc từ đất liền đến các tàu đánh cá còn hạn chế, phương tiên đánh bắt cũng nhỏ… Và điều đáng chú ý là khi kêu gọi người dân vào tránh bão họ lại không tin. Chính điều này gây nên thiệt hại lớn”.
Tại Cà Mau, ông Tô Quốc Nam – Phó GĐ Sở NNPTNT – cho biết: “Thiệt hại do cơn bão Linda đã được tổng kết, đánh giá. Hằng năm chúng tôi đều tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão, nhưng 3 năm gần đây chúng tôi chuyển từ diễn tập sang tập huấn. Những người được tập huấn là những người trực tiếp phòng tránh bão nên hiệu quả cao hơn. Chúng tôi cũng đã xây dựng hệ thống thông tin liên lạc xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở; phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải đội… liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền ra khơi; xây dựng, hướng dẫn địa điểm cho các tàu thuyền trú ẩn an toàn mỗi khi có bão”.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hoàng Đức Cường – GĐ Trung tâm DBKTTV T.Ư – cho biết: Trong những năm qua, các bản tin dự báo, cảnh báo về bão, mưa, lũ, ngập lụt đã có sự cập nhật nhanh hơn và sát với thực tế diễn biến và từng bước cụ thể hơn trước một số yếu tố của thời tiết khí hậu. Trung tâm KTTV quốc gia đã nâng thời gian dự báo bão từ 12-24h sau đã nâng lên 48h. Nhiều cơn bão có hướng ổn định đã dự báo trước 72h. Trước đây chỉ ra bản tin cảnh báo khi đã hình thành ATNĐ hoặc bão, hiện nay cơ quan dự báo đã theo dõi chặt chẽ từ khi là dải hội tụ nhiệt đới, đến vùng ATNĐ và lên đến bão. Chính điều này đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người trên biển, ven biển, quần đảo, huyện đảo, xã đảo đến mức thấp nhất.
Nói về khả năng của thảm họa thiên tai, ông Hoàng Đức Cường nhấn mạnh: Những diễn biến phức tạp của thời tiết thủy văn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã làm tăng tính dị thường và cực đoan của các hiện tượng KTTV nguy hiểm như bão, siêu bão, mưa lớn diện rộng, lũ lụt, hạn hán, nắng nóng, rét đậm, rét hại, mực nước biển dâng, triều cường… gây khó khăn cho công tác dự báo và PCTT.
“Dự báo trong những năm tới tần suất các cơn bão hình thành ở vùng biển ngoài khơi Philippines đạt cấp siêu bão xuất hiện ngày càng nhiều; mưa lũ cường suất lớn, hạn hán, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng, rét đậm, rét hại tiếp tục diễn ra nhiều hơn; nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng. Do vậy công tác dự báo KTTV tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nhận định, cảnh báo, dự báo kịp thời phục vụ chỉ đạo, ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai” – TS Hoàng Đức Cường nhấn mạnh.
Theo ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai: Trong những năm gần đây, gần như không có thiệt hại về người do bão ở trên biển, dù vậy, năng lực phòng chống thiên tai hiện nay còn hạn chế, chúng ta chưa có cơ quan chuyên trách, cán bộ chuyên nghiệp thực hiện công tác PCTT, sự vào cuộc của cộng đồng trong các hoạt động này còn hạn chế.
Chỉ trong 1 đêm (từ 19 giờ ngày 2.11 đến sáng sớm 3.11.1997), bão Linda (bão số 5) năm 1997 đã gây thiệt hại tại 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, làm 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương; làm sập 107.892 ngôi nhà, 204.564 ngôi nhà bị hư hại; đánh chìm 2.897 tàu thuyền, làm hư hỏng 1.856 tàu thuyền, 316 tàu bị mất tích; 136.334ha nuôi trồng thủy sản bị vỡ, ngập… Thiệt hại về vật chất ước tính 7.200 tỉ đồng. Trong đó, riêng tỉnh Cà Mau đã có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương.
Cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng
Có thể giảm nhẹ thiệt hại do bão gây ra nếu chuẩn bị tốt. Việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng được cho là yếu tố cốt lõi giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai. Quan trọng nhất là làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, dự báo tình hình mưa lũ, để người dân nắm được và biết cách phòng tránh; đồng thời các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị mình, địa phương mình, đặc biệt là phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy – lực lượng – hậu cần – phương tiện tại chỗ).
Nhóm Phóng viên

 


Bình luận về bài viết này

Bão nhiệt đới Linda năm1997

Bão nhiệt đới Linda năm1997
Copy từ https://vi.wikipedia.org/wiki/Bão_nhiet_doi_Linda_(1997) , đã sửa lần cuối ngày 09/04/2017.
Bài này viết về một cơn bão Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm 1997. Đối với bài về cơn bão Đông Bắc Thái Bình Dương trong cùng năm, xem Bão lớn Linda (1997).
Bão nhiệt đới Linda, được biết đến ở Philippines với tên gọi Áp thấp nhiệt đới Openg, là cơn bão thảm khốc nhất tại miền Nam Việt Nam trong vòng ít nhất 100 năm. Hình thành vào ngày 31 tháng 10 năm 1997 trên biển Đông, Linda mạnh lên khi di chuyển về phía Tây và nó đã tấn công vùng cực Nam Việt Nam trong ngày 2 tháng 11 với sức gió 65 dặm/giờ (100 km/giờ) cùng với mưa lớn. Khi tiến vào vịnh Thái Lan Linda tăng cấp thành bão cuồng phong, nhưng đã suy yếu lại thành bão nhiệt đới trước khi vượt bán đảo Mã Lai và đi vào vịnh Bengal. Tại đây, Linda một lần nữa đạt đến cường độ bão cuồng phong, tuy nhiên không lâu sau độ đứt gió tăng lên và dòng dẫn suy yếu khiến cho nó tan vào ngày 9 tháng 11.
Tác động nghiêm trọng nhất của Linda là tại Việt Nam, nơi mà đã có tới 3.111 người thiệt mạng, cùng tổng thiệt hại 385 triệu USD. Mưa lớn đã gây lũ lụt tàn phá khoảng 200.000 ngôi nhà và khiến khoảng 383.000 người mất nhà cửa. Tổn thất về mùa màng là trên diện rộng, cùng việc hệ thống đường giao thông bị hư hại đã cản trở những nỗ lực cứu trợ sau này. Một vài quốc gia trên thế giới đã gửi hàng cứu trợ, bao gồm các đội ngũ y tế, thực phẩm và quần áo. Tuy nhiên, quá trình cung cấp thực phầm và tình trạng sức khỏe các nạn nhân của cơn bão đã chứng minh hậu quả không đáng ngại như ban đầu. Linda sau đó đã tấn công Thái Lan, gây lũ quét khiến ít nhất 164 người thiệt mạng. Cơn bão cũng tác động đến Burma (Myanmar), Indonesia, Malaysia, và Campuchia với mức độ thấp hơn.
Tại Việt Nam, Linda có tên gọi Cơn bão số 5. Theo như Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn của quốc gia này, cơn bão mạnh cấp 10-11 (thang Beaufort) đã đi qua vùng biển Cà Mau, Kiên Giang và vịnh Thái Lan; để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng về người và của ở khu vực Nam Bộ và các vùng phụ cận.
* * * * *
Trước khi bão tới, chính quyền Việt Nam đã ban hành những cảnh báo đến người dân, dù vậy Linda di chuyển nhanh hơn dự kiến và đây cũng là khu vực hiếm khi gặp phải xoáy thuận nhiệt đới nên ít có kinh nghiệm đối phó. Bão nhiệt đới Linda đã trút xuống một lượng mưa lớn trên khắp miền Nam Việt Nam, tối đa đạt 23,3 cm tại Cần Thơ. Thiệt hại ở khu vực này là nặng nề, đặc biệt là tại tỉnh cực Nam Cà Mau nơi cơn bão tấn công trực tiếp. Một số tỉnh khác cũng chịu tổn thất nghiêm trọng là Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang. Tầng lớp chịu ảnh hưởng lớn nhất là cộng đồng ngư dân nghèo ở đây. Tổng cộng, bão nhiệt đới Linda đã phá hủy 76.609 ngôi nhà và làm hư hại 139.445 ngôi nhà khác, khiến 383.045 người mất nhà cửa. Ngoài ra, cơn bão còn phá hủy ít nhất 3.112 tàu thuyền của ngư dân. Mưa cũng đã làm ngập 4.500 km2 diện tích cánh đồng lúa, khoảng một nửa trong đó là tại Cà Mau. Tổng thiệt hại sơ bộ ước tính 7,18 nghìn tỉ đồng (385 triệu USD).
Bão Linda đã gây tổn thất nghiêm trọng về nhân mạng tại Việt Nam. Rất nhiều thủy thủ và ngư dân đã phải bỏ mạng ngoài khơi do không thể thoát khỏi quỹ đạo di chuyển của cơn bão. Chỉ trong vòng 3 ngày, số người thiệt mạng đã lên tới hơn 150 cùng hàng ngàn trường hợp mất tích, hầu hết trong số đó là ngư dân. Bốn ngày sau cơn bão, con số người chết đã tăng lên 390, và đến ngày 14 tháng 11, tám ngày sau cơn bão, con số này tăng lên thành 464. Cuối cùng, tổng số người chết đạt tới con số rất lớn, 3.111. Tám ngày sau khi Linda đi qua, một báo cáo của bộ phận phụ trách về các vấn đề nhân đạo của Liên hiệp quốc (DHA) cho thấy số người bị thương do bão là 857. Chính phủ Việt Nam cũng đã nhanh chóng thành lập các đội tìm kiếm và cứu hộ, đặc biệt ưu tiên cho các ngư dân đang còn mất tích, và có tổng cộng 3.513 người được giải cứu sau bão. Bên cạnh đó, đã có hàng trăm thi thể bị sóng cuốn vào bờ ở Việt Nam và Thái Lan được phát hiện trong vòng vài tuần sau cơn bão.
Chính phủ Việt Nam xác định rằng cung cấp các nhu yếu phẩm cơ bản là việc cần phải làm ngay lập tức; gồm có thực phẩm, quần áo, thuốc men, chỗ ở cho người dân, và các trang thiết bị vệ sinh. Quốc gia này đã thực hiện một lời đề nghị chính thức mong nhận được sự viện trợ quốc tế, họ nhấn mạnh rằng đây là cơn bão tồi tệ nhất trong vòng 100 năm, và chính quyền chỉ có nguồn lực hạn chế do sự tàn phá là ngoài dự kiến. Trước lời đề nghị này, chính phủ Thụy Sĩ đã gửi khoảng 500.000 Franc Thụy Sĩ (360.000 USD) để viện trợ khẩn cấp. Sau đó, mười quốc gia khác cũng đã gửi tiền mặt hoặc hàng cứu trợ với tổng trị giá 2,6 triệu USD; bao gồm các nơi trú ẩn, khám chữa bệnh y tế từ Mỹ, quần áo từ Vương quốc Anh, lều bạt từ Nga, và các loại hàng hóa vận chuyển từ Nhật Bản. Do tình trạng nghèo nàn của hệ thống giao thông, các nhân viên của Tổ chức Chữ thập Đỏ đã phải di chuyển bằng đường sông để mang đến sự trợ giúp cho những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Sau hai tháng, hội Chữ thập Đỏ đã phân phối 65.401 tấm lợp mái, 390 tấn gạo, 11.990 chiếc màn, 6.871 chăn, 3.664 bộ dụng cụ y tế, và cung cấp nhiều loại quần áo phong phú cho khoảng 150.000 người chịu tác động bởi cơn bão; các nguồn cung được thu nhận tại thành phố Hồ Chí Minh. Cuối cùng, quá trình cung cấp thực phẩm và tình trạng sức khỏe các nạn nhân đã chứng minh hậu quả không đáng ngại như ban đầu. Sau khi đã phân phối những sự viện trợ, Hội Chữ thập Đỏ chuyển sang tập trung vào việc tái cấu trúc. Quá trình tái thiết diễn ra chậm chạp, một phần do sự suy giảm trong hoạt động kinh tế vào những ngày Tết Nguyên Đán của quốc gia này. Thêm vào đó là việc hai nhà máy chính sản xuất thép và khung xây dựng hoạt động ngắt quãng, không liên tục, do một số máy móc bị hỏng.
Ở những nơi khác như Thái Lan, tổn thất được báo cáo là trung bình. Tại đây đã có ít nhất 12 người trên đất liền và 152 ngư dân trên biển đã thiệt mạng. Lũ quét đã xảy ra tại sáu quận, làm hư hại một vùng diện tích 230 km2 đất trồng trọt đồng thời phá hủy 12 ngôi nhà. Hệ thống giao thông đường bộ cũng chịu tác động với 184 con đường và 14 cây cầu bị hư hỏng. Chính phủ Thái Lan đã cử 20 đội y tế đến những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngoài ra sau bão đã có khoảng 10.600 người bị mắc các bệnh liên quan đến lũ lụt hay tình trạng ô nhiễm môi trường. Tại vùng Tanintharyi ở miền Đông Nam Myanmar đã xảy ra mưa lớn, dù vậy gió không mạnh nên thiệt hai là không đáng kể. Cơn bão cũng làm gia tăng lượng khói bụi và sương mù ở Indonesia và Malaysia, tình trạng này kéo dài trong vài tuần. Tại Indonesia, Linda đã làm giảm độ ẩm không khí, hạ thấp khả năng mưa cho những khu vực đang chịu tác động của cháy rừng. Campuchia cũng là nước chịu tác động nhỏ bởi rìa của cơn bão.
Bão số 5 – Linda đã được nhắc đến trong bộ phim Những ngôi sao biển do Công ty điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh – Hãng phim Phương Đông sản xuất vào năm 2003, 6 năm sau khi bão tàn phá Nam Bộ.
Tóm tắt
Hình thành:31 tháng 10 năm 1997; Tan:9 tháng 11 năm 1997.Sức gió mạnh nhất: 95 km/h, duy trì liên tục trong 1 phút. Áp suất thấp nhất: 985 mbar(hPa); 29.09 in Hg. Số người chết: nhiều hơn 3123 người. Thiệt hại: 385 triệu USD năm 1997. Vùng bị ảnh hưởng: Phillippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan,Burma.
vi.wikipedia.org